Với mục đích đem đến những hiểu biết bổ ích về STEAM cho các thầy cô giáo dạy học Mầm non và các giảng viên, nghiên cứu viên tham gia vào quá trình đạo tạo, bồi dưỡng giáo viên Mầm non, ngày 16/10/2020, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Giáo dục (CERA) phối hợp với Khoa Các Khoa học Giáo dục thuộc trường ĐH Giáo dục – ĐHQGHN, đã tổ chức Seminar với chủ đề “Giáo dục STEAM ở trường Mầm non” tại nhà G7- Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. Seminar đã thu hút sự quan tâm đăng ký tham dự và tham dự của đại diện hơn 15 trường Mầm non thuộc hệ tư thục và công lập; các giảng viên, nghiên cứu viên của nhiều trường ĐH trong và ngoài Hà Nội; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giáo dục có uy tín…
Tham gia báo cáo trong SEMINAR là 3 chuyên gia đã có thành tựu trong lĩnh vực STEAM. Sau mỗi báo cáo, các Đại biểu đều hào hứng trao đổi và cộng hưởng với tác báo cáo viên để tạo nên một bầu không khí học thuật sôi nổi.
Mở đầu cho phần báo cáo là báo cáo của PGS.TS Mai Văn Hưng với tiêu đề “Các vấn đề lý luận về phương pháp STEAM trong giáo dục Mầm non”. PGS.TS Mai Văn Hưng, hiện là Giám đốc Trung tâm Nhân học và phát triển trí tuệ tại Trường Đại học Giáo dục – ĐHQG Hà Nội, kiêm Trưởng bộ môn Sư phạm khoa học Tự nhiên của Khoa Sư phạm, trường Đại học Giáo dục là một chuyên gia được đào tạo Tiến sĩ tại Hàn Quốc và được học hỏi kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới. Thầy đã trình bày những vấn đề cơ bản về STEAM với một cách nhìn vừa quen vừa lạ, với một khả năng giao tiếp và đối thoại tài tình. Các vấn đề như: Giáo dục STEAM là gì? Cơ sở lí thuyết và thực tiễn của giáo dục STEAM; Thích ứng STEAM trong chương trình đào tạo mầm non 2017; Qui trình và kĩ thuật xây dựng mô hình giáo dục STEAM đã được dẫn dắt một cách thuyết phục và đem đến những kiến thức bổ ích cho tất cả người nghe.
PGS.TS Mai Văn Hưng và những chia sẻ của mình tại buổi Seminar
Tiếp theo, ThS Lê Thị Thu Huyền, Cố vấn chuyên môn Tập đoàn Giáo dục Trí Việt, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Etech, chuyên gia đào tạo Giáo dục STEM, đã mang đến những kinh nghiệm quý báu từ nền giáo dục Nhật bản. Với triết lý giáo dục STEM không phải là để học sinh trở thành những nhà toán học, nhà khoa học, kỹ sư hay những kỹ thuật viên mà là xây dựng cho học sinh có kỹ năng- có thể được sử dụng, để vận dụng và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay, Nhật Bản đã xây dựng được một mô hình giáo dục STEAM hiện hữu trong sự chăm sóc và giáo dục trẻ dựa trên nền tảng nuôi dưỡng mối quan hệ với tập thể, phát triển các khả năng của trẻ để đạt được nhiệm vụ giáo dục và luôn lấy trẻ làm trung tâm. Từ đó, các phương pháp tiếp cận giáo dục STEAM đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc mà Việt Nam có thể học tập.
ThS .Lê Thị Thu Huyền chia sẻ tại buổi Seminar
Từ một góc độ khác của một chuyên gia “thực chiến” trên lĩnh vực STEM, TS. Đặng Văn Sơn – nhà sáng lập Học viện Sáng tạo S3 đã đưa lên sân khấu các hoạt động sống động của STEM ở Mầm non qua qua báo cáo “Phát triển tư duy điện toán cho trẻ Mầm non bằng STEM ToolKit”. Quy trình để thiết kế kỹ thuật trong STEAM mà TS. Đặng Văn Sơn chia sẻ đã mang đến nhiều ý tưởng ứng dụng sáng tạo cho người nghe.
TS. Đặng Văn Sơn và những chia sẻ về phát triển tư duy điện toán cho trẻ Mầm non bằng STEM ToolKit
Buổi Seminar cũng vinh dự khi có sự góp mặt của GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội
Các chuyên gia, các giảng viên, nghiên cứu viên của nhiều trường Đại học cùng các thầy cô giáo
công tác trong lĩnh vực Mầm Non trong và ngoài Hà Nội tại buổi Seminar
Seminar “Giáo dục STEAM ở trường Mầm non” đã thành công rực rỡ, mang đến những hiểu biết và kết nối quý giá cho cộng đồng STEM – STEAM – STREAM. Seminar cũng mở ra những cơ hội để kết nối sâu rộng giữa Nhà trường – Doanh nghiệp – Xã hội để chuyên môn hóa các lĩnh vực STEAM, đem lại hiệu quả học tập tốt hơn cho những thế hệ tương lai của đất nước.
CERA. UEd