NGUỒN Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ Ở MIỀN BẮC LÀ GÌ? CÂU TRẢ LỜI BAN ĐẦU TỪ DỊCH VỤ GIÁM SÁT KHÍ QUYỂN CỦA EU
Hình ảnh ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Sau bài báo của tờ The New York Times về đường đi toàn cầu của bụi mịn sử dụng dữ liệu của Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus châu Âu (CAMS), Media Climate Net đã liên hệ với CAMS về các quan sát của họ đối với tình hình ô nhiễm không khí ở Việt Nam. Trả lời câu hỏi về nguồn gây ô nhiễm ở miền Bắc Việt Nam, tiến sĩ Johannes Flemming, nhà nghiên cứu chính của CAMS cho hay:
“Trả lời câu hỏi của các bạn một cách kỹ lưỡng sẽ đòi hỏi các nghiên cứu hết sức kì công. Nhưng tôi nghĩ không nghi ngờ gì, khu vực xung quanh Hà Nội là một nguồn ô nhiễm không khí đáng kể và các chất ô nhiễm di chuyển tầm xa cũng góp phần gây ô nhiễm không khí ở Việt Nam.”
Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus đã tiến hành quan sát ô nhiễm không khí trên toàn cầu từ vệ tinh và dự báo chất lượng không khí toàn cầu kể từ 2003. Bên cạnh dữ liệu của các trạm đo trên mặt đất, dữ liệu từ vệ tinh là một nguồn thông tin quan trọng góp phần xác định nguồn gây ô nhiễm.
Ví dụ đối với các chỉ số có nồng độ cao từ Việt Nam quan sát được trên hệ thống CAMS, TS Flemming cho hay: “Một số chất giúp đánh giá hoạt động gây ô nhiễm nhân tạo tốt hơn các chất khác. Ví dụ như NO2 chủ yếu được phát ra bởi giao thông, sản xuất điện và công nghiệp. Do đó, nếu nồng độ NO2 theo chiều dọc (tổng cộng trên tất cả các tầng khí quyển) cao, thì đây là một chỉ báo tốt về ô nhiễm do con người gây nên. Điều tương tự cũng đúng với SO2 (trừ khi có núi lửa phát thải gần đó) vì nó chủ yếu được phát ra bởi ngành công nghiệp và giao thông vận tải như tàu biển. Sẽ phức tạp hơn một chút khi quy CH4, CO và formaldehyde trực tiếp vào hoạt động của con người (bao gồm cả nông nghiệp) vì cả quá trình tự nhiên và nhân tạo đều đóng góp vào việc phát thải. Vì vậy, người ta sẽ cần phải xem xét các dữ liệu chi tiết hơn.”
Theo quan sát ban đầu của Media Climate Net trên hệ thống dự báo này, ngoài ô nhiễm bụi mịn PM2.5, ô nhiễm các chất như NO2, SO2, CO đang ở mức cao tại khu vực Hà Nội và Đồng bằng sông Hồng. Theo các tài liệu chính thức của Tổ chức Y tế thế giới WHO, các chất này được sinh ra phần lớn do hoạt động đốt nhiên liệu hoá thạch của con người (than, dầu, khí tự nhiên) trong công nghiệp, sản xuất điện và giao thông.
Dự báo ô nhiễm không khí của CAMS được thực hiện dựa vào các kết quả của các quan sát từ vệ tinh trong thời gian dài (từ 2003 đến nay), dữ liệu nguồn phát thải và các mô hình dự báo chất lượng không khí tiên tiến. Dựa vào khúc xạ ánh sáng, các quan sát từ vệ tinh có thể cho thấy nồng độ tập trung của từng chất gây ô nhiễm với độ phân giải từ 40-80km. Khoảng thời gian dự báo từ 3-5 ngày tuỳ vào từng loại chất ô nhiễm.
Mặc dù dữ liệu từ vệ tinh có những hạn chế (độ nhạy, mây che phủ,v.v.), thế nhưng theo TS Flemming, những dữ liệu này vô cùng quan trọng bởi chúng là những quan sát độc lập với các giả định về khí thải.
Để theo dõi dự báo ô nhiễm không khí theo từng chất ô nhiễm của Việt Nam và toàn cầu theo ngày, các bạn vào trực tiếp trang https://atmosphere.copernicus.eu/charts/cams/particulate- matter-forecasts của Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tham khảo trang windy.com, một dịch vụ trực quan hoá dữ liệu ô nhiễm không khí của CAMS được các chuyên gia CAMS giới thiệu, kết hợp với nhiều chỉ số thời tiết như gió, nhiệt độ, v.v…
Những tin cũ hơn