Ô nhiễm không khí tại Hà Nội - góc nhìn tiếp cận từ Giáo Dục

30/10/2019 04:10:18
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội - góc nhìn tiếp cận từ Giáo Dục
Những ngày vừa qua, các trang báo đồng loạt đưa tin về chất lượng không khí ở Hà Nội ngưỡng xấu và kém ở cả 10 điểm quan trắc. Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) ở Hà Nội duy trì màu cam (tức chất lượng không khí kém). Các chuyên gia môi trường đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo về chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng ô nhiễm tới ngưỡng gây hại cho sức khỏe tất cả mọi người. Tuy nhiên thực tế, chất lượng môi trường ở Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam từ lâu đã tồn tại những vấn đề đáng lo ngại chứ không phải mới đây qua các chỉ số đo được ở Hà Nội.

Ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội  
Mối lo ngại từ bầu không khí ô nhiễm
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới WHO, ô nhiễm không khí gây cái chết sớm cho khoảng 4,2 triệu người trên thế giới vào năm 2016. Trong đó, 91% tỉ lệ thuộc về các nước nghèo và đông dân ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Bob O'Keefe, Phó Chủ tịch WHO chia sẻ: “Ô nhiễm không khí thực sự là một cú sốc lớn cho toàn cầu. Vấn nạn này khiến những người mắc bệnh hô hấp thêm khó thở, trẻ con và người già phải vào viện, bỏ học, bỏ việc và gây ra những cái chết sớm cho con người”.
Health Effects Institute (HEI) vừa đưa ra phát hiện mới nhất trong báo cáo thường niên 2018, dựa trên dữ liệu vệ tinh và được quy chiếu với các tiêu chuẩn trong Hướng dẫn đánh giá chất lượng không khí của WHO. HEI cho biết, hơn 95% dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm và có đến 60% người sống ở những khu vực không đáp ứng được tiêu chuẩn cơ bản nhất của WHO. Theo đó, ô nhiễm môi trường không khí là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư thế giới, chỉ đứng sau cao huyết áp, suy dinh dưỡng và hút thuốc lá[1].
Theo báo cáo thường niên The Environmental Performance Index (EPI) của Mỹ thực hiện, Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở Châu Á. Đáng lưu ý, tổng lượng bụi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động. Mới đây nhất là trong tháng 9 năm 2019, kết quả quan trắc của nhiều ngày cho thấy chất lượng không khí của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều đang trong tình trạng báo động.
Tại Hà Nội đã nhiều ngày đứng đầu thế giới vì mức độ ô nhiễm không khí. Theo số liệu từ 13 trạm quan sát tự động liên tục trong thời gian từ 12-29/9, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng từ 12-17/9, sau đó giảm đi từ 18-22/9, và lại tăng cao trở lại. Đặc biệt từ 23/9 trở lại đây chỉ số này duy trì ở mức cao. Trong giai đoạn từ 15-17/9 và 23 -29/9, có đến trên 75% giá trị đo được PM2.5 trung bình 24 giờ của các trạm trên địa bàn thành phố Hà Nội đều vượt quy chuẩn Việt Nam QCVN 05 2013. Mức độ ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 đã xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kết quả đánh giá mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội
 (ngày 4/10/2019, App Airvlsual)

Chỉ số chất lượng không khí tại 10 trạm quan trắc tự động tại Hà Nội,
 (Ảnh Xuân Thu[i])
Hậu quả khó lường
Qua tổng hợp từ nhiều nghiên cứu cho thấy, ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân chính gây nên các bệnh nhiễm trùng hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi. Các triệu chứng dễ thấy như ho, hen suyễn, khó thở, thở khò khè và tình trạng trầm trọng của hô hấp và tim mạch. Các phản ứng cá nhân đối với chất gây ô nhiễm không khí tùy thuộc vào loại chất gây ô nhiễm mà người đó tiếp xúc, mức độ tiếp xúc, tình trạng sức khoẻ và di truyền của cá nhân. Những ảnh hưởng này có thể làm tăng việc sử dụng thuốc, tăng khám bác sĩ hoặc phòng cấp cứu, nhập viện nhiều hơn và tử vong sớm.
Nguyên nhân cần lý giải
Theo ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết[1] sơ bộ, mức độ, nguyên nhân ô nhiễm bụi tăng cao tại Hà Nội, đặc biệt là trong thời gian tháng 9 là thời điểm giao mùa, có sự thay đổi về thời tiết. Khối không khí lạnh từ phía bắc di chuyển xuống phía nam, tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới, kết hợp với không khí lạnh, gây nên hiện tượng nghịch nhiệt. Hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, các chất ô nhiễm ít được phát tán. Điển hình là vào sáng sớm, lặng gió, nhiệt độ thấp, khả năng phát tán chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí mặt đát, hiện tượng nghịch nhiệt giảm đi, bụi PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn so với đêm và sáng sớm.
Những nguyên nhân gây ô nhiễm gồm: khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, có các nguyên nhân khác là: đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa. Ngoài những nguyên nhân trên, còn một số nguyên nhân do chất thải, khí thải của các nhà máy, của các công trình đang thi công và của các phương tiện giao thông với mật độ lớn cũng đã làm gia tăng mức độ ô nhiễm trong không khí. Tiếp đến, một nguyên nhân quan trọng là từ phía ý thức người dân trong bảo vệ môi trường.
Điều đáng lo ngại, hiện nay các cơ quan liên quan chưa phản ứng đúng với mức độ nghiêm trọng của thực tế ô nhiễm, nhất là khi tác động từ ô nhiễm không khí vừa qua đến đời sống người dân là rất lớn, nhiều gia đình cả nhà ốm, hết viêm mũi, họng đến viêm đường hô hấp. Suốt đợt ô nhiễm kéo dài gần 3 tuần vừa qua ở Hà Nội, các cơ quan chức năng đã không có giải pháp ứng phó nào, thậm chí việc cảnh báo, khuyến cáo tới người dân cũng thực hiện chậm.
Một số đề xuất từ các nhà giáo dục
Các nhà giáo dục cần tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ hơn về ô nhiễm không khí và hậu quả của nó thông qua giáo dục tích hợp trong các bài giảng trên lớp, các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các hoạt động truyền thông trong và ngoài nhà trường. Các nhà sư phạm cũng cần tuyên truyền, giáo dục học sinh phòng ngừa ô nhiễm không khí: hạn chế đi lại khi không cần thiết, tránh tham gia giao thông vào giờ cao điểm. Các trường học cải tạo cửa sổ, cửa đi các phòng học cũng giúp ngăn ngừa khói bụi. Tuyên truyền học sinh và gia đình hạn chế nguồn làm gia tăng ô nhiễm không khí như đốt rác thải không đúng quy định, dùng than tổ ong đun nấu
Các nhà quản lý giáo dục và nhà khoa học giáo dục cần nghiên cứu thiết kế và triển khai các khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn, các chương trình bồi dưỡng về môi trường nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, pháp luật môi trường và các kỹ năng quản lý trong thời kì khủng hoảng môi trường này.
Với sứ mệnh cung cấp các thông tin nghiên cứu mới, các dịch vụ hữu ích cho công tác dạy-học và giáo dục thông qua các hoạt động, các sản phẩm nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Khoa học giáo dục – Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn được hợp cùng các nhà khoa học, cán bộ quản lí, giáo viên, giảng viên nhằm nghiên cứu sâu hơn những tác động của ô nhiễm môi trường không khí đến các trường học và tìm ra các giải pháp giảm thiểu, thích ứng phù hợp trong bối cảnh ô nhiễm không khí như hiện nay./.
CERA – Đại học Giáo dục - ĐHQGHN


 
 

 


 

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?