TỌA ĐÀM HỌC THÔNG QUA CHƠI TRONG GIÁO DỤC MẦM NON PHẦN LAN VÀ LỄ KÍ KẾT HỢP TÁC GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIÁO DỤC – ĐHQGHN VỚI CÔNG TY WISE CONSULTING FINLAND OY (WCF)

09/12/2023 09:12:28
     Ngày 8/12/2023, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG cùng với Công ty WCF phối hợp cùng tổ chức toạ đàm “Học thông chơi trong giáo dục mầm non Phần Lan”. Mục đích của toạ đàm nhằm cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm về hiệu quả của việc học thông qua chơi trong giáo dục mầm non Phần Lan và thực hành một số hoạt động học thông qua chơi cho trẻ mầm non. Đồng thời buổi toạ đàm cũng giới thiệu cuốn sách "Học thông qua chơi trong Giáo dục mầm non Phần Lan" nhằm tan tỏa tư tưởng này trong các nhà trường. Đặc biệt buổi toạ đàm diễn ra sự chia sẻ,  giao lưu với các chuyên gia giáo dục Phần Lan: Giáo sư Sara Sintonen (ĐH Turku Phần Lan), Thạc sĩ Anneleen Burmansson (20 năm kinh nghiệm dạy học, quản lý và đào tạo nhân sự tại các cơ sở mầm non Phần Lan), cùng các nhà sư phạm của WCF và chuyên gia Giáo dục mầm non của Việt Nam.
    Tham dự hội thảo có đại diện của Trường Đại học Giáo dục PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng và Công ty Wise Consulting Finland Oy đại diện là ông Pasi Toiva, Giám đốc Điều hành, Ngài Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, Bà Vũ Huyền Trinh, Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT, Bà Lê Anh Lan, đại diện UNICEF Việt Nam, PGS.TS. Bùi Thị Lâm, Trưởng Khoa GDMN, Trường ĐHSP Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Thu Hương, Trưởng Khoa GDMN, Trường ĐHSP Hà Nội 2, TS. Hoàng Thị Nho, Trưởng Bộ môn GDMN, Trường ĐHGD, TS. Chu Thị Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học GD, Trường ĐHGD cùng các giảng viên, chuyên gia về giáo dục, các CBQL và GVMN ở các cơ sở GDMN.  
    Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Trần Thành Nam nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục sớm, tầm quan trọng của hoạt động vui chơi đối với sự phát triển toàn diện của trẻ, hy vọng các diễn giả và các chuyên gia sẽ đem đến những kinh nghiệm quý báu của giáo dục Phần Lan để các nhà quản lý có thể áp dụng, triển khai có hiệu quả trong giáo dục mầm non ở Việt Nam.
PGS.TS Trần Thành Nam phát biểu mở màn tại hội thảo


Bài trình bày của Giáo sư Sara Sintonen (ĐH Turku Phần Lan)


Phần trình bày của Thạc sĩ Anneleen Burmansson

Phần trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, các nhà quản lý về GDMN
Phần trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, các nhà quản lý về GDMN


Ban tổ chức và các chuyên gia Giáo dục mầm non


Đại biểu của Trường ĐHGD với đại diện công ty WCF Giám đốc Điều hành, Ngài Pasi Toiva


Khách mời tham gia hội thảo
    Giáo dục mầm non Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới, với nhiều bước tiến vượt bậc nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp cho trẻ em Việt Nam và bắt kịp xu hướng với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Trong khi đó, Phần Lan đã từ lâu được biết đến với chất lượng giáo dục nổi tiếng toàn cầu. Phần Lan xếp thứ nhất về Giáo dục mầm non (theo The Economist, 2012), xếp thứ nhất về Giáo dục tiểu học (Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018), xếp thứ 3 về chỉ số Quyền Trẻ em (KidsRights Index 2022), xếp thứ 2 về Giáo dục trong Chỉ số Thịnh vượng quốc gia (The Legatum Prosperity Index 2023), xếp thứ nhất về Chỉ số Giáo dục sẵn sàng cho tương lai (The Economist 2019) và là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 6 năm liền (UN World Happiness Report). Những thành tựu mà Phần Lan đạt được có sự đóng góp không nhỏ của giáo dục mầm non, cấp bậc đầu tiên của mọi hệ thống giáo dục.
     "Giáo dục là sự nghiệp cả đời, có tác động to lớn đến sự phát triển của mỗi cá nhân và tiến trình phát triển văn minh của cả xã hội. Tại Phần Lan, cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, việc chăm sóc và giáo dục trẻ luôn được cả xã hội quan tâm và thảo luận. Mỗi đứa trẻ sơ sinh Phần Lan sẽ được trao tặng một Chiếc hộp Sơ sinh (Baby Box) của chính phủ, không phân biệt giàu nghèo. Khi cha mẹ trẻ quay trở lại với bộn bề công việc, họ yên tâm gửi gắm con ở các “trung tâm chăm sóc và giáo dục trẻ” trong khung giờ hành chính.”, trích lời Đại sứ Keijo Norvanto.
 
Phát biểu của Đại sứ Phần Lan Keijo Norvanto tại Việt Nam
 
     Phần Lan luôn tạo điều kiện để đảm bảo mọi trẻ em dưới 7 tuổi ở nước này được đến trường mầm non theo quy định của pháp luật, không bị cản trở bởi khả năng kinh tế của gia đình. Tại Phần Lan, chương trình học mầm non về cơ bản là miễn phí. Do vậy, tại đất nước Bắc Âu này, trẻ em, không phân biệt hoàn cảnh giàu nghèo, đều có cơ hội được học ở trường mầm non chất lượng cao. Chính phủ sẽ hỗ trợ về mặt tài chính cho phụ huynh. Giáo viên ở Phần Lan được đào tạo nghiêm cẩn, có hiểu biết khoa học giáo dục, họ luôn luôn vui vẻ và có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong các hoạt động dạy học hàng ngày. Tại Phần Lan, giáo viên được tự chủ trong việc quyết định nội dung bài học và cách thức vận hành lớp học của mình. Chính nhờ có sự tin tưởng này, cuộc sống của giáo viên Phần Lan màu sắc và hạnh phúc hơn rất nhiều. Các nhà giáo dục của Phần Lan nói về cách giáo dục hướng đến tôn trọng quyền và con đường phát triển riêng của mỗi đứa trẻ, cách trẻ em học tập thông qua vui chơi, cách kết hợp giữa giáo dục và chăm sóc, cách tạo ra một môi trường giáo dục hòa nhập cho mọi đứa trẻ, tình yêu với thiên nhiên và sự công bằng trong giáo dục. Khung chương trình giáo dục mầm non tại Phần Lan không đưa ra các yêu cầu cụ thể về chuẩn đầu ra và cách triển khai chương trình. Các nhà giáo dục dành rất nhiều thời gian để nói về triết lý giáo dục, quan điểm về việc dạy và học, về quyền và giá trị của mỗi đứa trẻ. Chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ ở tuổi mầm non là tiền đề vững vàng cho chất lượng giáo dục ở cấp cao hơn và giáo dục trọn đời.
 
Gian trưng bày tại hội thảo
 
     Trẻ em Phần Lan được học để là trẻ em, được tạo cơ hội cho trẻ được thực hành, trải nghiệm, và thúc đẩy quá trình chơi của trẻ, chúng sẽ được dạy rằng sai lầm là một điều tự nhiên, không phải lỗi lầm, sau mỗi sai lầm sẽ học được thêm rất nhiều điều. Trẻ em thấy vui vẻ khi học trong một môi trường truyền cảm hứng, trẻ sẽ thấy vui khi thấy an toàn trong môi trường học tập, khi được đánh giá cao mình là ai. Mỗi trẻ em là một cá thể riêng biệt và các em đáng được tôn trọng. Các nguyên tắc học vui vẻ qua chơi: Trẻ cảm thấy an toàn; Môi trường truyền cảm hứng; Trẻ được đánh giá và tôn trọng; Thất bại cũng vui; Trẻ yêu điều mình làm; Trẻ tiếp cận tri thức – trải nghiệm theo cách của mình;
    Buổi toạ đàm cũng diễn ra lễ ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác giữa trường Đại học Giáo dục đại diện PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng và Công ty Wise Consulting Finland Oy đại diện là ông Pasi Toiva, Giám đốc Điều hành của công ty. Đồng thời có sự góp mặt chứng kiến của Ngài Đại sứ Keijo Norvanto và các đại diện lãnh đạo của hai đơn vị. Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Giáo dục – Trường Đại học Giáo dục (CERA) là đầu mối kết nối và cũng là đơn vị thực hiện các nhiệm vụ sẽ được triển khai.
 
Lễ kí kết hợp tác giữa Trường Đại học Giáo Dục – ĐHQGHN với Công ty Wise Consulting Finland oy (WCF)
 
    Hai bên cam kết cùng nhau xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện trong tất cả các lĩnh vực chuyên môn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên và mang lại các giá trị giáo dục cho cộng đồng. Cụ thể; tổ chức các hội thảo và tọa đàm chuyên môn so sánh giáo dục Việt Nam và Phần Lan; phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ về nhiều chủ đề tiên tiến như: Học thông qua chơi trong trường mầm non; Dạy học tích hợp liên môn và Dạy học phát triển năng lực số cho học sinh phổ thông theo cách tiếp cận hiện đại và đã được triển khai thành công tại Phần Lan; tổ chức các khóa học nhằm cung cấp kiến thức nền tảng và phương pháp triển khai trên thực tế. Từ đó, học viên có thể áp dụng các kiến thức được học để đổi mới và sáng tạo hoạt động dạy và học tại cơ sở, Hợp tác triển khai các chương trình học tập ngắn hạn và trao đổi sinh viên, giảng viên sư phạm giữa Việt Nam – Phần Lan.
    Trong buổi ký kết, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - PGS.TS. Trần Thành Nam đánh giá cao những thành tựu, chiến lược và những giá trị mà công ty WCF đang hướng tới. Phó Hiệu trưởng cũng hy vọng thoả thuận hợp tác sẽ mang lại lợi ích tốt đẹp điểm khởi đầu cho những thoả thuận hợp tác tiếp theo và lâu dài cho hai bên.

Các chuyên gia và các đại biểu tham dự buổi tọa đàm

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?